Mỗi năm trên toàn cầu, chỉ riêng việc phải băm nhỏ hàng triệu thiết bị lưu trữ dữ liệu cá nhân của các Big Tech và các cơ quan, xí nghiệp – đã thải ra môi trường khoảng 54 triệu tấn rác điện tử.
“Phải băm nhỏ thôi!”
Ông Mick Payne, giám đốc điều hành của Techbuyer, một công ty xử lý thiết bị điện tử IT ở thị trấn Harrogate (Anh), đứng trong một căn phòng lớn không cửa sổ của một trung tâm dữ liệu ở London. Xung quanh ông là hàng nghìn ổ cứng đã qua sử dụng thuộc sở hữu của một công ty thẻ tín dụng.
Biết rằng mình có thể xóa sạch các ổ đĩa và bán lại chúng với giá lên đến 6 con số. Nhưng, câu trả lời của ông là không.
Thay vào đó, một xe tải đến và các thiết bị lưu trữ dữ liệu sẽ được nhân viên an ninh kiểm tra khi đưa lên xe và chở đến nơi tiêu hủy. Tại đó, máy móc công nghiệp sẽ cắt chúng thành những mảnh nhỏ.
Mỗi ngày khi bạn gửi email, cập nhật tài liệu trên Google hoặc chụp ảnh, dữ liệu được tạo ra không được lưu trữ trong “đám mây”. Thay vào đó, nó được lưu trên một số máy chủ trong số 70 triệu máy chủ ước tính trên thế giới.
Mỗi máy chủ là một hộp thép có kích thước bằng bồn rửa bát, được tạo thành từ tất cả các loại kim loại quý, khoáng chất quan trọng và nhựa.
Các máy chủ chứa một số thiết bị lưu trữ dữ liệu. Có 23.000 trung tâm dữ liệu trên thế giới, một số trong số đó có diện tích sàn tương đương với hàng chục bể bơi cỡ Olympic.
Theo báo Financial Times, khi các công ty quyết định nâng cấp thiết bị của mình – thường từ 3 đến 5 năm một lần – các thiết bị lưu trữ dữ liệu sẽ bị phá hủy theo một quy trình như giám đốc Payne đã mô tả.
Các công ty như Amazon và Microsoft, cũng như các ngân hàng, dịch vụ cảnh sát và các cơ quan chính phủ, đã cắt nhỏ hàng triệu thiết bị lưu trữ dữ liệu mỗi năm,
“Đơn kiện luôn như lưỡi dao kề cổ!”
Nguồn gốc của việc băm nhỏ thiết bị chứa dữ liệu, xuất phát từ nỗi sợ dữ liệu có thể bị rò rỉ, gây ra sự giận dữ từ khách hàng và các khoản phạt khổng lồ từ các cơ quan quản lý.
Tháng 9, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ đã phạt Ngân hàng Morgan Stanley 35 triệu USD vì lỗi “đáng kinh ngạc” trong việc bảo vệ dữ liệu khách hàng.
Chỉ vì sau khi các máy chủ và ổ cứng ngừng hoạt động và ngân hàng đã ký hợp đồng với một công ty xử lý các thiết bị này. Do thiếu kinh nghiệm, công ty đã để lọt dữ liệu của ngân hàng ra ngoài.
Một nhân viên tại Amazon Web Services, người giấu tên, cho biết công ty sẽ cắt nhỏ mọi thiết bị lưu trữ dữ liệu khi nó được coi là lỗi thời, thường là sau 3-5 năm sử dụng.
Một người có kiến thức về các hoạt động xử lý dữ liệu của Microsoft cho biết, tập đoàn cũng cắt nhỏ mọi thứ tại hơn 200 trung tâm dữ liệu Azure của mình.
Bộ Giáo dục Anh, Bộ Lao động và Hưu trí, Cảnh sát Scotland và Sở Cảnh sát Bắc Ireland nói với tờ Financial Times rằng họ đã cắt nhỏ tất cả các thiết bị lưu trữ dữ liệu đã ngừng hoạt động. Lực lượng của Bắc Ireland cho biết họ đã băm nhỏ 30.000 thiết bị bao gồm cả máy chủ và ổ cứng trong 2 năm qua.
Rất khó để nói chính xác có bao nhiêu ổ cứng ngừng hoạt động trên toàn cầu mỗi năm. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Phòng thí nghiệm năng lượng tái tạo quốc gia Mỹ ước tính rằng chỉ riêng ở Mỹ đã có ít nhất 20 triệu ổ cứng.
54 triệu tấn rác thải điện tử, xử lý sao?
Nghiên cứu cho thấy hơn 90% thiết bị ngừng hoạt động thường xuyên sẽ bị phá hủy, mặc dù chúng vẫn hoạt động được.
Ông Greg Rabinowitz, chủ tịch của Urban E Recycling, một công ty xử lý đồ điện tử ở bang Florida (Mỹ), cho biết: “Chúng tôi bằm nhỏ mọi thứ với dữ liệu trên đó, không có ngoại lệ. Thậm chí, khách hàng còn yêu cầu thiêu hủy các phần còn lại”.
Chỉ riêng các thiết bị bị băm nhỏ này đã góp phần tạo ra 54 triệu tấn rác thải điện tử trên toàn cầu mỗi năm.
Mỗi nguyên liệu trong thiết bị điện tử này thường được khai thác từ các khu vực có xung đột trên thế giới. Nhu cầu về những vật liệu như vậy được dự báo sẽ ngày một tăng lên .
theo: GENK.VN